Nữ sinh phố núi 'số hóa' văn hóa người Brâu |
6-2-2023 |
GD&TĐ - Nữ sinh Kon Tum đã tạo trang Facebook, YouTube, thẻ game và ấn phẩm số song ngữ Anh - Việt để mọi người dễ dàng tiếp cận. |
CT |
Em Phạm Thị Thùy Trang vượt hơn 80km đến làng Đắk Mế để tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực của người Brâu.
Gìn giữ văn hóa truyền thốngSinh ra và lớn lên ở huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum), từ nhỏ Phạm Thị Thùy Trang (học sinh lớp 9D1, Trường THCS - THPT Liên Việt Kon Tum) có cơ hội tham dự nhiều lễ hội văn hóa tại địa phương. Tận mắt chứng kiến những nét đẹp truyền thống, Thùy Trang thấy yêu hơn và muốn gìn giữ bản sắc văn hóa nơi này. Khi học xong lớp 5, gia đình nữ sinh chuyển xuống thành phố Kon Tum sinh sống. Thế nhưng, cô học trò chẳng thể quên nét đẹp truyền thống của người Brâu ở mảnh đất Ngọc Hồi. Năm học 2022 - 2023, khi được thầy, cô thông tin về Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, Thùy Trang nghĩ ngay đến việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống. Từ tháng 10/2022, tranh thủ những ngày cuối tuần rảnh rỗi, nữ sinh lại bắt xe vượt chặng đường khoảng 80km về làng Đắk Mế (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi) để tìm hiểu thêm về văn hóa của người Brâu. Với dân số khoảng 123 hộ/525 người, bà con cư trú chủ yếu tại làng Đắk Mế. Qua tìm hiểu, nữ sinh biết cộng đồng dân tộc Brâu có những nét văn hóa đặc sắc, như: Kể sử thi, hát dân ca, trình diễn cồng chiêng - múa xoang và các loại nhạc cụ dân tộc như đàn Pông Pông, Chiêng Goong, Chiêng Tha... “Tuy nhiên, do đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người Brâu còn nhiều khó khăn, văn hóa có nguy cơ bị mai một. Không những vậy, sự hiểu biết về văn hóa dân tộc Brâu của học sinh ngày càng hạn chế. Từ đó gây khó khăn cho việc lưu giữ và quảng bá những nét độc đáo trong đời sống sinh hoạt, tinh thần của người Brâu đến bạn bè trong nước cũng như quốc tế. Chính vì vậy, em quyết tâm thực hiện dự án “Giữ gìn và quảng bá nét đẹp văn hóa của dân tộc Brâu ở Kon Tum” để giá trị văn hóa truyền thống được nhiều người biết đến”, Thùy Trang tâm sự. Thùy Trang (ngoài cùng bên phải) với dự án của mình xuất sắc đoạt giải Nhất trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, năm học 2022 - 2023. Giới thiệu văn hóa người Brâu đến bạn bè quốc tếBắt tay vào tìm hiểu và thực hiện dự án, nữ sinh gặp khá nhiều khó khăn. Đặc biệt là khoảng cách địa lý xa nên thời gian em trao đổi, nắm bắt thông tin từ già làng, tham dự các lễ hội văn hóa của người Brâu còn hạn chế. Không những vậy, người dân còn ngại giao tiếp, bất đồng về ngôn ngữ. Do đó, em phải tìm thêm tư liệu về phong tục tập quán, văn hóa người Brâu từ thư viện, bảo tàng tỉnh. Bên cạnh đó, Thùy Trang còn lấy ý kiến của học sinh trung học đối với việc bảo tồn, phát huy văn hóa người Brâu. Qua khảo sát nữ sinh thấy hầu hết bạn trẻ chưa nắm, hoặc nắm được nhưng còn mơ hồ về văn hóa, phong tục của người Brâu ở Kon Tum. Bởi học sinh chưa có cơ hội tiếp cận với những nét văn hóa truyền thống của người Brâu vì khoảng cách địa lý và khó khăn về ngôn ngữ. Sau gần 3 tháng tìm hiểu, nghiên cứu, nữ sinh đã kiểm chứng thông tin và chọn lựa những nét văn hóa tiêu biểu của người Brâu để làm ấn phẩm số song ngữ Anh - Việt, tạo kênh YouTube, Facebook và tự thiết kế các sản phẩm quảng bá để in ấn... “Thông qua trang mạng xã hội mà em tạo ra, du khách gần xa có thể tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán... của người Brâu tại Kon Tum. Không những thế, với ngôn ngữ Anh - Việt, bạn bè quốc tế có thể hiểu hơn về văn hóa dân tộc Brâu. Đặc biệt, thẻ “Game trải nghiệm” với 4 lĩnh vực khác nhau sẽ thu hút các bạn trẻ tìm hiểu, khám phá nét đặc sắc của dân tộc Brâu thông qua những câu hỏi, hình ảnh”, Thùy Trang chia sẻ. Dự án “Giữ gìn và quảng bá nét đẹp văn hóa của dân tộc Brâu ở Kon Tum” của Phạm Thị Thùy Trang xuất sắc đoạt giải Nhất trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, năm học 2022 - 2023. Nhằm chuẩn bị cho Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia vào tháng 3/2023, Thùy Trang tiếp tục nghiên cứu thêm các lĩnh vực văn hóa khác của người Brâu để làm phong phú nội dung. Bên cạnh đó, nữ sinh mong muốn lan tỏa cảm hứng nghiên cứu về văn hóa của các dân tộc bản địa khác ở Kon Tum như: Rơ Mâm, Xơ Đăng, Jrai... Đồng thời xây dựng và phát triển diễn đàn trực tuyến dành cho học sinh trung học nhằm chia sẻ hiểu biết, ý tưởng, cảm nghĩ và những trải nghiệm khám phá văn hóa địa phương. Ngoài ra, khuyến khích sự tham gia của học sinh các nước nhằm tạo cơ hội phát triển kỹ năng ngôn ngữ (đặc biệt là Tiếng Anh) và giao lưu văn hóa truyền thống. Thầy Đoàn Tuấn Anh, giáo viên Công nghệ - Bí thư Đoàn trường, cho hay, khi em Phạm Thị Thùy Trang chia sẻ ý tưởng và mong muốn thực hiện Dự án “Giữ gìn và quảng bá nét đẹp văn hóa của dân tộc Brâu ở Kon Tum”, bản thân rất vui và tự hào. Bởi em biết yêu quý, gìn giữ và phát huy những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc. Theo thầy Tuấn Anh, đây là dự án đầu tiên Thùy Trang thực hiện và tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, với hiểu biết, hoạt ngôn và kỹ năng thuyết trình bằng tiếng Anh, Thùy Trang đã xuất sắc đoạt giải Nhất. Đây là niềm vui, sự tự hào của gia đình và nhà trường.
|
Dung Nguyễn - Báo Giáo dục và Thời đại |
Số lượt xem:1201 |